TÌNH YÊU THÔI CHƯA ĐỦ

Source: Internet

Source: Internet

Năm 1967.

John Lennon viết bài hát “All You Need is Love”. Nhưng ông cũng là người đánh cả hai người vợ của mình, bỏ rơi một trong những đứa con của mình, bạo hành bầu sô người Do Thái của mình bằng lời nói miệt thị và phân biệt chủng tộc. Không những thế, ông còn thuê hẳn một đoàn quay phim mình nằm dài trên giường khoả thân cả một ngày.

35 năm sau, Trent Reznor - vocal chính của ban nhạc Nine Inch Nails viết một bài hát “Love is Not Enough”. Ông này cũng rất nổi tiếng, thành công vang dội trong sự nghiệp âm nhạc của mình với những tác phẩm vì ma tuý, gái gú, v.v. Nhưng rồi ông này cưới một cô vợ, có hai con, rồi huỷ hết tất cả album, tour diễn của mình chỉ để ở nhà dành thời gian cho vợ và con cái. Để trở thành một ông bố, ông chồng tốt.

John Lennon - viết tình ca.
Trent Reznor - chơi nhạc rock.

Một trong hai ông này có cái nhìn về tình yêu thực tế hơn, lành mạnh hơn ông còn lại.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, một ông thì nghĩ tình yêu là thứ giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống. Ông còn lại thì nghĩ rằng nó không đủ để giải quyết được hết. Một ông là khốn nạn. Ông còn lại là chân chính.

Xã hội chúng ta luôn đề cao tình yêu. Chúng ta nhìn nó dưới con mắt của những kẻ mơ mộng. Phim chúng ta xem, nhạc chúng ta nghe, lịch sử xã hội của chúng ta - tất cả đều hướng đến tình yêu như là liều thuốc chữa tất cả mọi khổ ải của mỗi người. Và bởi vì chúng ta đề cao tình yêu, chúng ta cũng coi nó là lý tưởng sống. Cuối cùng, mối quan hệ xung quanh ta là thứ bị đầu độc bởi những suy nghĩ như vậy.

Khi chúng ta tin rằng “All You Need is Love”, thì giống như Lennon, chúng ta sẽ bỏ qua những giá trị căn bản khác của con người như là tự trọng, khiêm tốn và sự gắn bó. Nếu tình yêu giải quyết được tất cả mọi thứ, thì chúng ta cần gì những giá trị kia nữa? - những giá trị quan trọng không kém gì tình yêu, có khi là quan trọng hơn.

Nhưng nếu chúng ta tin “Love is Not Enough”, giống như Reznor, thì chúng ta hiểu được rằng một mối quan hệ vững cần nhiều hơn là tình yêu giữa hai người. Cảm xúc, khát vọng, ái tình thôi là chưa đủ. Chúng ta hiểu được rằng có những thứ quan trọng hơn trong cuộc sống hơn là tình yêu. Và độ bền vững cho những mối quan hệ của chúng ta sẽ dựa nhiều những giá trị cao cả hơn, sâu sắc hơn tình yêu.

BA SỰ THẬT

Nhiều người khi yêu nhau, sẽ có những kì vọng không thực tế về tình yêu của mình. Chính những kì vọng ấy khiến cho con người ta tự phá hỏng những mối quan hệ tình cảm mà chúng ta không muốn đánh mất.

[1] Tình yêu không đồng nghĩa với sự tương đồng.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.”

Nhưng khi yêu nhau, không phải ai cũng biết đâu là mực, đâu là đèn. Tình yêu là một phản ứng về mặt cảm xúc, còn sự tương đồng là phản ứng về mặt lí trí. Về bản chất, hai cái này luôn đối nhau.

Một người bình thường hoàn toàn có thể yêu một người độc ác với mình, hay thô lỗ với mình, khinh thường mình.

Một người bình thường cũng có thể yêu một người khác với bản thân về mọi mặt từ tính cách cho đến ước mơ.

Khi tôi nghĩ đến những tình yêu thất bại, họ có một điểm chung là họ sẽ bỏ qua những red flags của đối phương. Cứ yêu đã, tính sau. Mình rõ ràng với họ trước, còn họ mập mờ thì kệ. Mình phải yêu đã. Như thế chẳng hạn.

Vấn đề là, họ đã sai từ đầu, nhưng phải một thời gian sau mới nhận ra.

Khi tìm đến một người bạn trai/gái, hãy nhớ dùng cả trí não, thay vì chỉ có trái tim. Tìm được người yêu mình thì sướng. Nhưng phải hiểu ra giá trị thật của họ, họ là người thế nào, đối xử với người thân ra sao, đối xử với bản thân như thế nào, ước mơ hoài bão của họ thế nào, v.v. Bởi vì nếu yêu nhau mà không tương đồng với nhau, thì sẽ toang.

[2] Tình yêu không giải quyết được gì cả.

Tôi và bạn gái cũ rất yêu nhau, tuy ở cách nhà nhau khá xa. Gia đình bố mẹ ông bà thì biết qua loa cũng chẳng kĩ lắm. Hay cãi nhau những vấn đề rất vô nghĩa mà có thể giải quyết được bằng lắng nghe và chia sẻ.

Sau mỗi lần cãi nhau, hôm sau lại gặp nhau làm lành rồi đi nhậu cho say cho vui, vì cuối cùng chúng tôi còn đang “yêu nhau lắm lắm lắm lắm ý ”. Thế là tôi bỏ qua, nghĩ rằng tình mình sẽ chinh phục được hết.

Nhưng mà chính vì bỏ qua, nên chả giải quyết được cái gì, chỉ là trì hoãn cái sự toang mà thôi.

Vài tháng sau, mọi thứ lạnh nhạt dần, ai cũng nghĩ mình là đại diện của lẽ phải, thế nên đến nói chuyện với nhau cho nó rõ ràng cũng là một điều khó khăn.

Nghĩ lại, chẳng có hi vọng nào là nó sẽ bền cả, thế mà vẫn kéo dài được hẳn 3 năm.

Cuối cùng thì chỉ cần một buổi cãi vã, không che đậy bất cứ cái gì nữa, thì mối quan hệ kết thúc. Cho dù chúng tôi không ghét nhau, nhưng tôi biết có nhiều cặp đôi coi nhau là cái gai to bự trong mắt mình.

Bài học tôi rút ra là: Mặc dù tình yêu làm cho mình tha thứ, bỏ qua những cái dở, cái tệ; nó không giúp giải quyết được những mâu thuẫn giữa hai người.

Đó là bản chất của một mối quan hệ độc hại. Sau mỗi lần không giải quyết được mâu thuẫn giữa hai bên, thì cho qua rồi yêu tiếp, nghĩ rằng chỉ cần yêu thôi là đủ. Nhưng rồi mâu thuẫn lại ập đến như một con sóng của biển cả, lần sau mạnh hơn lần trước với khả năng đánh sập hết.

[3] Có những lúc tình yêu không xứng đáng để mình hi sinh.

Yêu là chết trong lòng một ít. Ở đây có nghĩa là gì? Là dành một phần “lòng” của mình để nghĩ cho người khác. Tạm bỏ qua một phần tâm trí của mình, nhu cầu của mình mà để quan tâm đến người khác và nhu cầu của họ.

Nhưng mà câu hỏi quan trọng ở đây, mà ít người dám đặt ra, là mình phải hi sinh những cái gì để giữ được người yêu bên cạnh? Và nó có xứng đáng không?

Trong tình cảm, chuyện hai người hi sinh ước nguyện, thời gian, tâm trí cá nhân cho người kia là lẽ thường tình. Tôi tin rằng tình yêu mà không hi sinh thì đấy không phải là tình yêu.

Nhưng mà khi phải hi sinh lòng tự trọng, phẩm giá, sức khoẻ, ước mơ chỉ để ở bên cạnh một người; thì tình yêu đấy rất có vấn đề. Tình yêu xứng đáng là một thứ bổ trợ cho bản ngã mỗi người, chứ không thay thế được. Nếu chúng ta thấy mình đang ở trong một mối quan hệ mà mình phải chịu đựng một điều gì đấy từ đối phương, thì đó chính là lúc chúng ta để tình yêu làm mờ con mắt và đánh mất bản thân mình.

Nếu không cẩn thận, nó sẽ biến chúng ta thành kể vô hồn.

BÀI KIỂM TRA TÌNH BẠN

Một trong những quan điểm tình yêu phổ biến nhất là: Hãy coi vợ/chồng mình là người bạn thân cận nhất. Đa số mọi người sẽ nhìn nhận lời khuyên này theo chiều hướng tích cực như: Tôi sẽ dành thời gian cho cô ấy/anh ấy như với người bạn thân nhất, Tôi nên chia sẻ mọi thứ với cô ấy/anh ấy như thằng/con bạn thân của mình, Tôi đi chơi với bạn thế nào thì tôi cũng đi chơi với cô ấy như thế.

Nhưng đa số mọi người lại không nhìn vào mặt tiêu cực, đó là: Nếu như tính xấu của người yêu giống hệt tính xấu của bạn mình, thì có chịu được không?

Nếu câu trả lời là không, thì mối quan hệ có vấn đề.

Tại sao chúng ta chịu được tính xấu của người yêu, nhưng bạn mình thì lại không chịu?

Tưởng tượng có cô bạn gái hay ghen tuông, nên hỏi bạn trai đưa passwords cho và hứa lên hứa xuống phải check-in vào buổi tối khi đi công tác để biết không đi léng phéng. Ở phía người bạn trai sẽ cảm thấy không khác gì là tội phạm trong diện tình nghi bị FBI theo dõi 24/24. Cô bạn gái không tin vào người bạn trai, mà người yêu không tin mình thì mình cũng chẳng cần phải tin vào mình làm gì. Có người quản rồi mà, chắc là nếu không có người quản thì mình hư lắm. Thế thôi đằng nào mình cũng hư, tin làm gì nữa. Cho dù khó chịu nhưng người bạn trai không chia tay bạn gái. Vì sao? Vì đang yêu…

Hay một ví dụ nữa, thằng bạn thân vào ở cùng, không bao giờ chịu dọn dẹp nấu nướng, không đóng góp tiền thuê nhà. Mình đi làm về thì nó phàn nàn, mắng mỏ. Tình bạn đấy sẽ kết thúc trong một nốt nhạc.

Để tận hưởng tình yêu trọn vẹn thì đừng coi tình yêu là thứ quan trọng nhất trên đời.

Trong một đời người, tình yêu sẽ đến và đi dưới nhiều người khác nhau. Có người tốt có người xấu, có cách yêu tốt cách yêu xấu. Tình yêu đến lúc trẻ, tình yêu đến lúc già. Tình yêu không khan hiếm, cũng không đặc biệt.

Nhưng bản thân mình thì chỉ có một, lòng tự trọng chỉ có một, nhân phẩm chỉ có một. Lòng tin cũng chỉ có một. Mất một trong những cái đó, thì khó mà chữa được.

Tình yêu là một trải nghiệm tuyêt vời, ai cũng nên có tình yêu.

Nhưng cũng như bao trải nghiệm khác, nó chỉ là trải nghiệm, không nên để nó định nghĩa con người mình.

Bởi vì không có tình yêu thì cũng không chết được. Tình yêu là đẹp. Tình yêu là cần thiết. Nhưng tình yêu thôi chưa đủ.

John

MR BLANCComment