TẠI SAO CHÚNG TA LUÔN CHỌN SAI NGƯỜI

Source: Tumblr

Có một loại người đặc biệt, có vẻ như luôn không gặp may mắn trong tình yêu. Bất chấp những dự định và nỗ lực tốt nhất của họ, họ dường như chuyển từ ứng viên không hài lòng này sang ứng viên khác mà không bao giờ có thể ổn định. Một người yêu hóa ra đã bí mật kết hôn với người khác. Một người tình, sau khoảng thời gian mặn nồng ban đầu, không bao giờ gọi lại. Một người sắp cưới tưởng chừng như là bến đỗ cho một cuộc tình đẹp, hóa ra lại nghiện rượu và ưa bạo lực… Chúng ta chỉ có thể bày tỏ sự cảm thông cho những điều tưởng chừng như quá xui xẻo này.


Chúng ta muốn được yêu thương, nhưng nhiều người trong chúng ta thấy mình hết lần này đến lần khác rơi vào những mối quan hệ độc hại khiến chúng ta kiệt quệ, mệt mỏi và bầm dập. Tại sao chúng ta liên tục lựa chọn những mối quan hệ mà chúng ta biết rằng sẽ thất bại? Tại sao chúng ta đầu tư thời gian vào những người mà chúng ta biết là sẽ làm tổn thương chúng ta? Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta liên tục chọn những người độc hại để yêu. Muốn thay đổi điều đó, trước tiên chúng ta phải nhận ra và chấp nhận đâu là những điều đang cản trở mối quan hệ của mình.


1. Bad role models

Theo nhà tâm lý học John Gottman, sự hấp dẫn và tiêu chí lựa chọn bạn đời là kết quả của một hiện tượng được gọi là “dấu ấn”. Về cơ bản, lý thuyết này nói rằng nếu bạn được thoả mãn nhu cầu về tình yêu thương từ khi sinh ra cho đến khi đủ 18 tháng tuổi, bạn sẽ dễ bị thu hút bởi một kiểu tính cách khác biệt của cha mẹ, từ đó hình thành nên tiêu chí lựa chọn bạn đời cho bản thân sau này. “Dấu ấn” này là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm, có lẽ quan trọng nhất, cách bạn được nhận, hoặc bị tước đoạt tình yêu, sự thân mật và an toàn từ cha mẹ mình.


Thật không may, nhiều người được nuôi dưỡng trong những gia đình ngược đãi hoặc tan vỡ, nên không có gì lạ khi các hành vi bạo lực và lạm dụng mà họ trải qua dần trở thành một điều “bình thường” trong cuộc sống. Tệ hơn là, họ mang điều “bình thường” ấy đi theo đến tuổi trưởng thành.


Nếu một đứa trẻ trưởng thành mà không bao giờ phá vỡ chu kỳ lạm dụng và mang những hành động đã học được từ thời thơ ấu vào các mối quan hệ người lớn, bất kỳ mối quan hệ lãng mạn nào cũng sẽ có sự lạm dụng như một phần tất yếu. Sự lạm dụng đó khiến họ có xu hướng chọn bạn đời có lối sống nghiện rượu, bạo hành, kiểm soát, la mắng... hoặc những kiểu tính cách tương tự gần như vô thức, ngay cả khi họ cố gắng để tránh làm điều đó.


Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta không có một tuổi thơ yên bình và dễ chịu, chúng ta không phải đã hết hy vọng với những mối quan hệ lãng mạn. Chúng ta cần học hỏi từ những bài học, sai lầm và tổn thương trong quá khứ và phải hành động một cách có ý thức cho cuộc sống mà chúng muốn xây dựng sau này.


2. Lack of self-esteem

Nhiều khi chúng ta chọn nhầm người vì chúng ta không cảm thấy chúng ta xứng đáng với bất cứ điều gì tốt hơn. Chúng ta tự hạ mình xuống vì đây là cách chúng ta bị đối xử trong quá khứ. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta vô dụng, và chấp nhận “có còn hơn không” vì chúng ta có lòng tự trọng thấp.


Khi chúng ta không tôn trọng bản thân, chúng ta đang dạy người khác không tôn trọng chính mình. Điều này đặc biệt thu hút những con “kền kền” ngoài xã hội, những kẻ nhận ra chúng ta là người dễ dàng để chơi đùa và lợi dụng. Khi chúng ta có lòng tự trọng, chúng ta có thể tự bảo vệ mình bằng cách vạch ra ranh giới cho những mối quan hệ độc hại. Chúng ta có ý thức mạnh mẽ về sự độc lập của riêng mình cũng như không phụ thuộc vào sự cho phép hay chấp thuận của người khác.


Chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu trong việc tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn cho đến khi chúng ta xây dựng lại được lòng tự trọng của mình. Niềm tin tuyệt đối vào bản thân cũng như những điều chúng ta coi trọng là chìa khóa để tìm kiếm một người bạn đời hoàn hảo. Cho đến khi chúng ta tin vào bản thân và yêu con người của mình, chúng ta sẽ phải vật lộn để tìm được một người trân trọng chúng ta.


3. Monophobia

Nhiều khi chúng ta bước vào một mối quan hệ chỉ vì sợ ở một mình. Nhiều người nhanh chóng chuyển từ mối quan hệ phụ thuộc này - gia đình, sang một mối quan hệ phụ thuộc khác - hẹn hò, vì không muốn chịu đựng cảm giác cô đơn, lo lắng hay những cảm xúc tiêu cực khác. Đối với họ, cảm giác an toàn khi có một người bên cạnh quan trọng hơn chất lượng của mối quan hệ đó, kể cả khi nó gây ra nhiều đau đớn.


Những mối quan hệ chỉ dựa trên việc lấp đầy khoảng trống một mình thay vì nền tảng vững chắc của tình yêu và sự tôn trọng là gốc rễ nảy sinh mọi vấn đề. Họ rất dễ ngoại tình, thường xuyên xảy ra tranh cãi, và không bao giờ tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, nhiều người trong số họ kết thúc mối tình với cảm giác thất vọng và cô đơn còn tệ hơn nhiều lần việc ở một mình.


Đôi khi chúng ta thấy mình đang ở trong một mối quan hệ tạm bợ nhưng không chịu thừa nhận, hoặc chần chừ có nên bỏ nó đi, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân - liệu mình có thực sự yêu người này không, hay mình chỉ đang sợ cô đơn. Câu trả lời cho điều đó sẽ giúp chúng ta xác định nên làm gì tiếp theo. Dù là gì đi nữa, đã đến lúc sống chậm lại và cho bản thân nhiều thời gian hơn thay vì vội vàng tìm một nửa kia để lấp đầy khoảng trống.


4. Societal Pressure

Đôi khi, đồng hồ sinh học của chúng ta và áp lực từ xã hội khiến chúng ta cảm thấy lo lắng về hôn nhân. Chúng ta thấy mình quay cuồng với nhu cầu lập gia đình khi nhìn 6/10 người bạn của mình khoe ảnh cưới trên Facebook, còn 4 người còn lại nói rằng họ đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Định kiến xã hội khiến chúng ta cảm thấy rằng mình bị bỏ lại phía sau, rằng nếu chúng ta lập gia đình, cuộc sống của chúng ta sẽ trọn vẹn và viên mãn.


Đó là nỗi sợ có thật khi đối mặt với thực tế của cuộc sống, và để đối phó với nó, chúng ta chọn cách mở rộng cánh cửa cho bất kỳ ai sẵn sàng bước vào. Với mong muốn được an toàn và được chăm sóc, chúng ta tiến đến mối quan hệ nghiêm túc một cách nhanh chóng mà không cần dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo và thực sự tìm hiểu đối phương. Để rồi sau đó chúng ta mới nhận ra, hôn nhân không đơn giản như việc quẹt phải trên Tinder. Khi những áp lực về tài chính, gia đình, sự nghiệp, con cái liên tục đè nặng trên vai, chúng ta tự hỏi điều gì đã xảy ra và tại sao cuộc sống hôn nhân lại không hạnh phúc và trọn vẹn như chúng ta mong đợi.


Câu trả lời thoả đáng cho việc kết hôn với ai và khi nào, một lần nữa lại nằm ở chính chúng ta. Như nhà văn Tim Urban từng nói: “Khi bạn chọn kết hôn, bạn đang chọn rất nhiều thứ, người bạn đời, đồng thời cũng là người ảnh hưởng sâu sắc đến con cái bạn, người cùng ăn với bạn trong khoảng 20.000 bữa ăn, người bạn đồng hành cùng bạn trong khoảng 100 kỳ nghỉ, người mà sẽ dành phần lớn thời gian ở bên bạn lúc giải trí cũng như khi về già, người cố vấn nghề nghiệp cho bạn, và một người mà bạn sẽ nghe tiếng khoảng 18.000 lần trong ngày.”

Trên đây là những lý do cho thấy tại sao chúng ta từng chọn sai người để yêu trong quá khứ. Mỗi mối quan hệ chúng ta gặp phải trong cuộc sống đều đi kèm với những bài học để chúng ta phát triển. Tôi hy vọng nếu bạn thấy bản thân mình trong số những điều trên, hãy sống chậm lại, yêu bản thân nhiều hơn, rèn luyện sự tự tin, cũng như dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, tương tác và tìm hiểu nửa kia của mình.

Tyson

MR BLANCComment